Từ ngày đoạt chức vô địch vòng chung kết Robocon toàn quốc, giành tấm vé thi đấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến nay, robot LH-B7 của trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) đã có nhiều cải tiến kỹ thuật. Sau khi đoạt chức vô địch, tất cả thành viên của đội LH-B7 đều không có thời gian nghỉ ngơi, tiếp tục tập luyện. Khu xưởng lắp ráp robot của trường ĐH Lạc Hồng hầu như lúc nào cũng nghe tiếng bánh xe rít lên, tiếng chuyển động của cánh tay các robot, tiếng gõ lách cách bàn phím lập trình để robot chuyển động… Nguyễn Chiến Thắng - Đội trưởng đội LH - B7, SV năm cuối khoa Điện - Điện tử cho biết công việc của toàn đội bây giờ là tiếp tục hoàn thiện robot bằng tay cũng như tự động hướng đến sự ổn định và tốc độ nhanh. Tất cả đều nỗ lực hết sức mình, hạn chế đến mức thấp nhất các sai lầm trong thi đấu. Thắng và các thành viên khác rất tự tin. Chuyến thi đấu khu vực lần này với họ ngoài việc nỗ lực để giành thành tích cao còn là cơ hội giao lưu học hỏi rất lớn. Thắng quê ở Thái Bình, vào tận Đồng Nai học đại học bởi đam mê về máy móc, điện tử. Thắng xin theo học hỏi lập trình và lắp ráp robot từ năm học thứ nhất. Đến năm học thứ 2, Thắng bắt đầu lập đội và chính thức “ăn ngủ” cùng robot. Mới đầu, gia đình phản ứng khá kịch liệt bởi muốn con mình chú tâm học hành, không bị phân tâm những vấn đề khác. Nhưng niềm đam mê cộng với sự thành công to lớn vừa qua đã khiến cho gia đình quay sang ủng hộ và động viên. Ít ai biết, để chuẩn bị cho chuyến thi đấu khu vực, một số chỉ đạo viên và ban huấn luyện trường ĐH Lạc Hồng sang tận Thái Lan để khảo sát kỹ lưỡng từ khâu ăn ở, sân thi đấu, di chuyển, luật lệ... Theo thạc sĩ Lâm Thành Hiển - Phó hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng, chuyến đi tiền trạm vừa qua cũng được chọn đúng thời điểm diễn ra vòng chung kết Robocon của nước chủ nhà. Qua theo dõi các đội robot của Thái Lan thi đấu, ông Hiển đánh giá đội bạn thi đấu ổn định và tốc độ cũng khá cao. “Những ngày khảo sát ở Thái Lan, chỉ đạo viên và ban huấn luyện của trường ĐH Lạc Hồng phân tích kỹ lưỡng những điểm mạnh, điểm yếu của đội chủ nhà, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm thi đấu cho LH-B7. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đặt mua được một số linh kiện để đội LH-B7 luyện tập”- Ông hiển nói. Theo ông Hiển, các đối thủ mạnh nhất tại vòng chung kết năm nay vẫn sẽ là Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Trong đó, Trung Quốc (đương kim vô địch) sẽ gây khó khăn lớn nhất cho đội tuyển đến từ Việt Nam. Bởi, theo dõi các trận đấu qua internet, có thể thấy đội đại diện của Trung Quốc có tốc độ thi đấu rất cao. Các robot của họ được sử dụng công nghệ mới, giúp tốc độ nhanh và khá ổn định. Ông Hiển cũng xác định, Trung Quốc là đối thủ đáng gờm nhất trong kỳ thi này.
Tập luyện robot tại trường ĐH Lạc Hồng - Ảnh: Đăng Nguyên
Năm nay, có tất cả 19 đội tuyển đại diện cho 18 nước tham dự cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Thái Lan - nước chủ nhà có 2 đội và có thêm 2 đội tuyển lần đầu tiên tham dự là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Các trận đấu sẽ diễn ra duy nhất trong ngày 28.8.2011. |
Đăng Nguyên