Vinh quang trên sàn đấu, nhưng ít ai biết “đầu tàu” đưa đội LH LED (trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai) đến chức vô địch Robocon năm 2010 lại là hai anh em đến từ vùng sâu của tỉnh Lâm Đồng. Đội LH LED có 13 thành viên. Trong đó hai anh em Lê Thanh Hiền, Lê Thanh Lành cùng Hoàng Tuấn Anh (cả 3 đều học lớp 07DC112, khoa Cơ Điện) là những người trực tiếp điều khiển robot trên sân. Hiền, Lành lớn lên ở vùng kinh tế mới thuộc xã Pro ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 2007, cả bốn anh em cùng vào giảng đường, gánh nặng ăn học đè nặng lên đôi vai gầy của ba.
Lúc còn học phổ thông, nhìn các anh chị thi đấu borot, hai anh em Hiền, Lành đã mê tít. Vào Đại học, 2 anh em liền bám càng các anh chị khóa trên tìm hiểu cách chế tạo borot. Năm thứ 2, Hiền Lành tập hợp các bạn cùng sở thích, họp đội chế tạo borot rồi thi đấu. Kinh nghiệm chưa có, bản lĩnh chưa nhiều, đội của các bạn bị loại ngay đêm thi đấu đầu tiên. Rút kinh nghiệm cho kì đấu năm nay, ngay từ tháng 10 năm 2009 các bạn đã lên mạng tìm hiểu và dịch luật thi đấu của Ai cập và lên phương án chế tạo borot.
Mỗi thành viên trong đội góp tiền chế tạo robot theo khả năng: bạn nào có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Thương 2 con mê tìm tòi, ba mẹ Hiền, Lành đi vay 2 triệu đồng cho con theo đuổi đam mê. Ròng rã 8 tháng trời, các thành viên trong đội thay phiên nhau mỗi ngày chạy 2 đến 3 lần từ Đồng Nai lên chợ Nhật Tảo Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh mua linh kiện điện tử. Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, các bạn đề ra nguyên tắc: ai làm mệt thì nghỉ chứ không được làm các bạn khác phân tâm. Nội bộ thống nhất, nhưng robot chế tạo xong lại điều khiển một đằng chạy một nẻo. Hàng tháng trời thức trắng ở xưởng chế tạo các bạn mới tạm yên tâm với 4 “chú ngựa” robot sắt được kết hợp cả lực đẩy khí nén, dây thun và lực đẩy xilanh.
Người gác thành vững chắc
Trong 3 thành viên ra sân, Tuấn Anh phụ trách điều khiển robot bằng tay ở khu vực Kufu và robot tự động ở khu vực Mankara, Lành và Hiền điều khiển 2 robot tự động ở khu vực Kufu. Trước khi tham dự vòng loại phía Nam, trường Lạc Hồng đã mời bên kĩ thuật làm sân của Ban Tổ chức robot 2010 xuống trường làm hẳn 1 sân riêng cho các bạn thi đấu để nắm luật và luyện tập nhuần nhuyễn. Chiến thuật được các bạn áp dụng là chiến thuật “biết người biết ta”. Xác định các đội ở Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm kĩ thuật là các đội mạnh nên suốt 1 tuần thi đấu trên sân Rạch Miễu (Bình Thạnh, Hồ Chí Minh) các thành viên trong đội túc trực thường xuyên ở sân thi đấu. Thanh Hiền bật mí: “tụi mình vừa cổ vũ cho đội nhà vừa xem cách thi đấu của các đội để đọc được điểm yếu, điểm mạnh của các đối thủ”.
Trong 6 trận thi đấu vòng loại của khu vực phía nam, Hiền và Lành điều khiểu robot dành điểm tối đa (44điểm) ở các khu vực Kafa. 7 trận ở vòng chung kết có đến 6 trận Hiền, Lành đặt được đỉnh tháp. Thanh Lành cho biết: “áp lực nhất với mình là vòng 1/16, gặp đội Sunwar (trường Đại học Sư phạm kĩ thuật Hưng Yên). Đội bạn có 1 robot mang 7 khối và 1 đỉnh tháp còn đội mình có đến 2 con robot :1 con mang 6 khối và 1 con mang 2 khối. Mình sợ đội bạn nhanh tay hơn nhưng cuối cùng robot của mình cũng đặt được đỉnh tháp”. Thanh Hiền hóm hỉnh: “ở trận chung kết thấy Tuấn Anh đặt được đỉnh tháp ở khu vực Kufu mình đã nắm chắc phần thắng. Robot tụi mình cũng đặt được đỉnh tháp nhưng trọng tài không công nhận”.
Trong vòng loại khu vực phía Nam cũng như vòng chung kết ở Đắclak, Ba của Hiền, Lành luôn theo sát từng trận đấu của 2 con. Đêm chung kết, 11h khuya gọi điện về nhà, Má trách: “sao giờ này mới gọi điện cho má?” Trên sân thi đấu, 3 chàng ngự lâm hăng hái, nhiệt huyết bao nhiêu thì các bạn ở ngoài hiền lành bấy nhiêu. Khi được hỏi về dự định sắp tới, 3 chàng vô địch cho biết: “trước mắt tụi mình lo ôn thi học kì thật tốt và chỉnh sửa, hoàn thiện robot để tháng 8 này gởi sang Ai Cập dự thi. Nhận giải nhất đồng nghĩa với việc tụi mình sẽ nhận thêm áp lực. Đội sẽ cố gắng phấn đấu hết mình để không hổ danh sinh viên Việt Nam”