Nằm trong chuỗi hoạt động đem Tết đến với các cụ già neo đơn, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các em nhỏ khuyết tật, mồ côi nhân dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Chiều ngày 16/1/2014, BCH Đoàn – Hội sinh viên khoa QT - KTQT đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các cụ già, các em nhỏ tại Chùa Diệu Pháp, Trảng Bom, Đồng Nai.
Cùng đi với Đoàn, có cô Trần Ngọc Thủy – Bí thư Chi bộ 8, Cô Phan Đặng Ngọc Yến Vân, các Đ/c trong BCH Đoàn – Hội sinh viên Khoa QT - KTQT và các bạn sinh viên trong khoa.
Tọa lạc tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai, chùa Diệu Pháp nằm lọt thỏm giữa khu rừng bạt ngàn. Chùa Diệu Pháp đã được chính quyền tỉnh Đồng Nai công nhận và cấp phép hoạt động dưới sự quản lý của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh. Hiện tại, chùa là mái nhà chung cho hơn 120 em nhỏ mồ côi, khuyết tật và hơn 40 cụ già neo đơn. Mỗi số phận là một hoàn cảnh khác nhau, có nhiều cụ già đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn chưa một lần cảm nhận hơi ấm máu mủ tình thân, nhiều cụ vẫn có con cháu nhưng bị cái nghèo đeo bám mà phải bỏ xứ đi làm ăn xa, nhiều em nhỏ lẽ ra phải được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ thì thậm chí còn không biết cha mẹ mình là ai, có em nhỏ nhất chỉ mới 16 ngày tuổi, có người bị bệnh tâm thần, sống lang thang, nhiều em nhỏ bị bại liệt bẩm sinh, khuyết tật được bố mẹ sinh ra nhưng bỏ rơi. Họ được các sư cô đem về nuôi dưỡng, chăm sóc trong một mái ấm mang tên Diệu Pháp. Tuy nhỏ thôi nhưng cũng thật ấm áp. Và quả là một điều diệu kỳ như đúng tên gọi của ngôi chùa, nhiều em nhỏ trong số đó vẫn được đi học, tốt nghiệp Đại học và có gia đình. Nhiều em còn quay về cùng các sư cô chăm sóc những mảnh đời khác.
Sư cô Huệ Đức, trụ trì chùa Diệu Pháp về tiếp quản chùa từ năm 1983, khi đó đây chỉ là một vùng đồi núi hoang vu, hẻo lánh, cây cối um tùm, đất đai khô cằn. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại cưu mang thêm nhiều hoàn cảnh bất hạnh khiến cuộc sống đã thiếu thốn nay còn khốn đốn hơn. Và thế là để có tiền nuôi nấng bọn trẻ, 6 ni sư phải tăng cường lao động vất vả hơn gấp nhiều lần. Mảnh đất rộng được tận dụng trồng lúa, cao su, rau củ…để tự cung tự cấp về lương thực. Bên cạnh đó, các sư cô còn may tu phục để bán kiếm tiền thêm. Ở đây, chúng ta nhận thấy hai giá trị sống cùng song song tồn tại. Một là, ý chí phi thường của con người vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống. Hai là, lòng tin và sự yêu thương quá đỗi lớn lao để họ có thể từ đó nương tựa nhau mà bước tiếp trên chặng đường chông gai.
“Mình đi tu ăn chay đã đành, các em nhỏ ăn như mình sẽ không đủ chất dinh dưỡng”. Thấu hiểu nỗi trăn trở đó của sư cô Trụ trì, các bạn sinh viên Khoa QT-KTQT đã nấu một bữa ăn cho các cụ già và các em nhỏ ở đây. Bữa ăn tuy giản dị thôi nhưng thật ấm áp và thấm đượm tình người. Có nhiều em chia sẻ, đã lâu lắm các em chưa được ăn ngon như vậy.
Cũng tại đây, đoàn đã thăm hỏi, động viên và tặng 24 bộ sách giáo khoa, 200 bộ quần áo, đồ chơi và các phần quà bánh kẹo, sữa cho các em nhỏ.
Nhìn nụ cười trên môi những em nhỏ, ta thấy an lòng khi tin tưởng những “hạt giống yêu thương” ấy rồi sẽ trưởng thành và có ích cho xã hội, tiếp tục hành trình đem yêu thương che chở cho nhiều mảnh đời bất hạnh…
chương trình, Xuân, từ thiện, khoa QT-KTQT