Tin tức

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thành công tốt đẹp19/01/2011

Sáng 19/1, sau 9 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ, với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh ngày: 14.4.1944
Quê quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Trình độ học vấn: Giáo sư, Tiến sĩ
Trình độ chuyên môn: Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng); Cử nhân Văn - Đại học Tổng hợp.
Ngày vào Đảng: 19.12.1967.
Ngày chính thức: 19.12.1968.
Là đại biểu Quốc hội: Khóa XI, XII

Tóm tắt quá trình công tác

Từ 1963 đến 1967: Học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Từ tháng 12.1967 đến 8.1973: Cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản.
Từ tháng 9.1973 đến 4.1976: Nghiên cứu sinh khoa Kinh tế chính trị tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Từ tháng 5.1976 đến 8.1980: Cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản.
Từ tháng 9.1980 đến 8.1981: Học Nga văn tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
Từ tháng 9.1981 đến 7.1983: Thực tập sinh; tốt nghiệp PTS khoa học lịch sử (chuyên ngành Xây dựng Đảng) tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.
Từ tháng 8.1983 đến 2.1989: Phó ban (1983-1987), Trưởng ban Xây dựng Đảng (1987-1989)
Từ tháng 3.1989 đến 8.1996: Ủy viên Ban biên tập (1989-1990), Phó tổng biên tập (1990-1991), Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (1991-1996).
Từ tháng 8.1996 đến 2.1998: Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban cán sự Đại học, trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VII, VIII, IX, X và XI.
Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X và XI
Từ tháng 2.1998 đến 1.2000: Phụ trách công tác Tư tưởng - Văn hóa và Khoa giáo của Đảng.
Từ tháng 1.2000 đến 6.2006: Bí thư Thành uỷ Hà Nội (khoá XII, XIII, XIV).
Từ tháng 7.2007 - đến nay: Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 19.1.2011, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI được bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội đã thảo luận sôi nổi, dân chủ và nhất trí thông qua các văn kiện rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước ta: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011 - 2015 và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương lần thứ XI gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên, Ban Bí thư gồm 4 ủy viên, bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí.
Ban Chấp hành Trung ương đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ chức Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí Ngô Văn Dụ được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Phát biểu tại phiên bế mạc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI. Đồng chí bày tỏ tin tưởng rằng, thành công của Đại hội sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước ta trên con đường xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát biểu bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Các văn kiện được thông qua tại Đại hội lần này là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 20 năm thực hiện Cương lĩnh, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010) và 5 năm thực hiện phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội (2006 - 2010), là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta; là sự tiếp tục khẳng định, hoàn thiện và phát triển quan điểm, đường lối của Đảng ta theo tư tưởng đổi mới; xác định mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân tộc ta trong giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng và không ít thách thức của cách mạng nước ta từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Sự thống nhất ý chí của Đại hội biểu thị quyết tâm sắt đá của Đảng ta, trong những năm tới, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Theo Tổng Bí thư, để thực hiện mục tiêu cao cả đó, Đại hội đã thảo luận và thông qua những quvết sách trên tất cả các lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm tới. Những quyết sách trên giữ vai trò vô cùng quan trọng, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc trong toàn bộ quá trình triển khai và tổ chức thực hiện trong thực tiễn phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước 5 năm, 10 năm và 20 năm tới.
Đại hội đã tập trung thảo luận và thông qua những nhiệm vụ to lớn nhằm tiếp tục chỉnh đốn, xây dựng và tự đổi mới Đảng với mục tiêu nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, phẩm chất và đạo đức cách mạng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đại hội nhấn mạnh đến sự đoàn kết, thống nhất ý chí của toàn Đảng trên cơ sở Cương lĩnh và đường lối, quan điểm của Đảng, đến sự gắn bó mật thiết với giai cấp, với nhân dân lao động và dân tộc như là một phẩm chất cốt lõi nhất thể hiện bản chất và sức sống của Đảng. Để đảm bảo sự trong sạch và vững mạnh cũng như uy tín, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, Đại hội nhận thức sâu sắc và thể hiện quyết tâm đẩy mạnh và có những giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, sự thoái hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Đại hội đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh trong các buổi thảo luận, trong các văn kiện nhiệm vụ to lớn cần kiên trì chỉ đạo việc thực thi và phát huy dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội, đảm bảo thực hiện bằng được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh : "Quyền hạn và lực lượng đều ở nơi dân". Đại hội khẳng định rằng, trong những năm tới, nhiệm vụ xây dựng Đảng là nhân tố quyết định để giữ vững vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng, để Đảng thực sự xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tạo nên sức mạnh cổ vũ to lớn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ cơ hội mới, phấn đấu vì mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngay sau Đại hội, tất cả các tổ chức đảng cần tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết, các văn kiện Đại hội, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về kết quả Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Đảng Ủy

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        4,613,395       1/806