Công nghệ kỹ thuật Cơ khí (Cơ điện tử)

Khoa Cơ điện - Điện tử  »  Đào tạo  »  Công nghệ kỹ thuật Cơ khí (Cơ điện tử)


Ngành Cơ Điện Tử

GIỚI THIỆU NGÀNH CƠ ĐIỆN TỬ

Là ngành học đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực liên quan đến ngành Cơ điện tử, có kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức cơ sở và chuyên ngành về hệ thống cơ điện tử; có khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và đánh giá các giải pháp, có năng lực xây dựng kế hoạch, lập dự án phát triển sản xuất; tham gia tổ chức, điều hành và chỉ đạo sản xuất; có kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; có khả năng tổ chức, triển khai, thực hiện quá trình đào tạo và các hoạt động nghiên cứu; có thái độ nghề nghiệp phù hợp đáp ứng được các yêu cầu phát triển của ngành và của xã hội.

Cơ điện tử về cơ bản là sự kết hợp phức hợp của các ngành cơ khí, điện tử, và tin học. Tuy vậy một nét chung nhất được thừa nhận và cũng là bản chất của cơ điện tử là sự “liên kết cộng năng của nhiều lĩnh vực để tạo ra những sản phẩm mới có những tính năng vượt trội”. Sự liên kết cộng năng này mang lại nhiều cơ hội và không ít thách thức cho sự phát triển của chính cơ điện tử.

Cùng với sự phát triển của công nghệ và máy móc hiện đại, các robot đang không ngừng phát triển về số lượng cũng như khả năng của chúng. Robot ngày càng thông minh, đảm nhận thay thế những công việc mà con nguời không thể thực hiện như đi vào vùng phóng xạ, giải cứu nguời trong hoả hoạn... Thế hệ tương lai sắp tới đón nhận robot vào những công việc trong gia đình như trông nhà, dọn dẹp nhà cửa, theo dõi sức khoẻ... Mỗi robot có bộ phận xử lý trung tâm (não bộ) (ngày nay còn được tích hợp thêm trí thông minh nhân tạo), các cơ cấu tác động (tay để cầm nắm, bánh xe di chuyển...), và các bộ phận cảm nhận (cảm biến) ghi nhận kích thích để gửi về bộ phận xử lý trung tâm. Robot chính là một sản phẩm của ngành CƠ ĐIỆN TỬ.

Mỗi ngành như cơ khí, điện tử, tin học đều có nền tảng khoa học vững chắc và tạo ra các sản phẩm đặc trưng riêng. Tuy nhiên, yêu cầu của thời đại đặt ra yêu cầu cao hơn về cách hoạt động của máy móc, yêu cầu máy móc cần phải gọn nhẹ hơn, linh động hơn, uyển chuyển hơn và thông minh hơn.  Các kỹ sư cơ khí không thể làm máy móc thông minh hơn, trong khi những kỹ sư tin học có thể tạo ra trí thông minh nhân tạo nhưng họ không biết về cơ khí, những kỹ sư điện tử có thể kết nối và điều khiển tín hiệu, nhưng họ không thể kết nối giữa trí thông minh nhân tạo để điều khiển thiết bị cơ khí. Chính yêu cầu này đã hình thành nên ngành Cơ điện tử để tạo ra sản phẩm mới đáp ứng các yêu cầu đặt ra trên cơ sở phối hợp nền tảng sẵn có của các ngành với nhau.

Với khả năng am hiểu về cơ khí, điện tử, tin học, và các công nghệ hiện đại... người kỹ sư cơ điện tử đưa vào các sản phẩm cơ khí hệ thống điều khiển linh hoạt bằng điện tử, và thông qua hệ thống điện tử, kết nối với hệ thống xử lý thông tin - trí thông minh nhân tạo để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Sinh viên ngành Cơ điện tử tham gia chế tạo máy chuyển giao cho doanh nghiệp

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đã đưa vào sử dụng các dây chuyền tự động, các hệ thống công nghệ khép kín và các dây chuyền robot vì thế cơ hội nghề nghiệp luôn luôn rộng mở với sinh viên cơ điện tử. Bạn có thể phụ trách thiết kế, bảo trì, vận hành trong các nhà máy, cũng có thể phụ trách hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cũng như bộ phận kinh doanh, chăm sóc khách hàng. Chương trình đào tạo cũng được thiết kế để sinh viên có thể tiếp tục theo đuổi theo hướng nghiên cứu, học tập ở các bậc đào tạo cao hơn.

SINH VIÊN ĐƯỢC ĐÀO TẠO NHỮNG GÌ? 

  • Kiến thức chung: 
    • Trình bày văn bản liên quan đến kỹ thuật, báo cáo tiếng Việt, tiếng Anh; 
    • Thuyết trình tiếng Việt, tiếng Anh về các vấn đề kỹ thuật chuyên môn và liên quan.
    • Trình bày hệ thống sản xuất tích hợp máy tính, hệ thống khí nén – thủy lực, hệ thống điều khiển nhúng, hệ thống đo lường và điều khiển thông minh; kiến thức về cảm biến, robot,... 
    • Điều hành và tổ chức quản lý hoạt động sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm, vận hành và điều hành hoạt động của các thiết bị công nghệ tự động...
  • Kỹ năng ngành nghề : 
    • Kỹ năng thiết kế xây dựng các sản phẩm cơ điện tử với các vị trí công việc liên quan như: thiết kế cơ cấu cơ khí, thiết bị điện tử, bộ điều khiển trung tâm, xây dựng chương trình hoạt động thông minh...
    • Kỹ năng xây dựng các thuật toán sản xuất trong các nhà máy sản xuất, được chuyển thành các lệnh lập trình qua các ngôn ngữ sử dụng như PLC, vi điều khiển...
    • Kỹ năng xác định và lắp đặt các thiết bị kỹ thuật phù hợp trên hệ thống sản xuất tự động.

Kỹ năng mềm: 

  • Làm việc độc lập, nhóm đa lĩnh vực, đa quốc gia.
  • Áp dụng 3S, Kaizen trong cải tiến.
  • An toàn lao động.

  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  186,545       1/596