Kiến thức y tế học đường

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường


7 bệnh thường gặp trong mùa hè

     Mỗi mùa trong năm đều ẩn chứa những nguy cơ gây bệnh tật. Sau đây là cách phòng tránh và chữa trị một số bệnh thường gặp trong những ngày hè nắng nóng.

1. Bệnh tim mạch

     Nắng nóng gay gắt không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu bị đặc lại do mất nước và có thể gây ra tình trạng thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ.

     Cách phòng tránh: Những người có bệnh tim cần sử dụng thuốc đều đặn theo đơn của bác sỹ, luôn mang theo người thuốc hạ huyết. Hạn chế vận động khi trời nóng, mang mũ khi đi nắng, giảm các thức ăn nhiều mỡ và nên uống nhiều nước. Cẩn thận khi tắm nước lạnh, đặc biệt với những người bị chứng co thắt mạch.

2. Bệnh cường tuyến giáp

     Bức xạ mặt trời, nắng nóng và thừa iốt (thường thấy ở miền biển) có thể là nguyên nhân gây ra bệnh cường tuyến giáp. Triệu trứng là người bệnh thường xuyên thấy nóng, đổ mồ hôi, rối loạn tâm lý, tim đập nhanh, phù mắt, sụt cân (dù ăn nhiều), khát nước, tiểu tiện nhiều, tay run, rụng tóc. Bệnh này cần điều trị cẩn thận, lâu dài dưới sự theo dõi của bác sỹ.

     Cách phòng tránh: Không nên ra ngoài trời khi nắng nóng.

3. Viêm cơ

     Bệnh thường xuất hiện ở những người ngủ nhiều hoặc ngồi lâu cạnh điều hòa. Khi thức dậy, họ thấy các cơ đau ê ẩm giống như khi làm việc nặng, sờ vào cơ thấy đau, khó cử động và ngày càng mỏi.

     Cách chữa trị: Nằm yên để các cơ được nghỉ ngơi, sử dụng các liệu pháp xoa bóp, làm nóng cơ, dùng gạc tẩm cồn đắp lên phần cơ bị đau và uống thuốc kháng viêm cơ.

4. Nhiễm trùng da

     Vào mùa hè, da thường phải chịu những tiếp xúc ngoài ý muốn nên dễ bị mắc các bệnh như ghẻ hay nấm. Nếu bạn đi dạo trên bờ biển mà không mang dép thì rất dễ gặp các bệnh dạng nấm hay nhiễm trùng do bị xước da chân.

     Cách phòng tránh: Hạn chế tiếp xúc với người đang mang bệnh viêm nhiễm trùng da, dán kín các vết xước trên da nếu bị, đi dép khi dạo trên bờ biển và không ngồi trực tiếp vào bãi cỏ hay bãi cát. Điều trị ngay khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên như đốm bẩn trên da (hắc lào), ngứa (ghẻ), tróc nứt da chân (nấm).

5. Côn trùng cắn

     Vết cắn của muỗi, ong có thể gây sưng phù, tấy đỏ, nổi hạch, nhiễm độc (nôn mửa, sốt rét, đau nhức xương), đau đầu, sốt cao, thậm chí là gây tụt huyết áp, ngạt thở hay bất tỉnh.

     Cách chữa trị: Cần chữa trị ngay vết cắn trong vòng một giờ đồng hồ đầu. Đầu tiên cần lấy nọc độc khỏi vết cắn, hút chất độc từ vết thương, thắt garô phía trên vết thương để ngăn chất độc lây lan, uống thuốc kháng dị ứng.

6. Viêm họng và thanh quản

     Ăn kem, uống nước đá hay tắm nước lạnh là các nguyên nhân chủ yếu gây bệnh.

    Cách phòng tránh, chữa trị: Uống nước ấm có nhiều kiềm (nước khoáng, chè xanh), giữ ấm cổ. Còn nếu bị viêm họng thì nhất thiết phải uống thuốc vì bệnh này rất nguy hiểm đối với tim và thận.

7. Bệnh đường ruột

    Các vi khuẩn gây bệnh có ở khắp nơi. Chúng sinh sôi rất nhanh khi trời nóng và xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống hay tay bẩn. Hậu quả là người bệnh bị mất sức, nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao.

     Cách chữa trị: Uống thuốc để đẩy chất độc trong người ra ngoài, đồng thời dùng nhiều các chế phẩm từ muối để bù lại lượng nước đã mất. Khi vẫn còn các triệu trứng của bệnh, chỉ nên ăn cháo làm từ gạo hay kiều mạch. Đừng sợ khi bị nôn hay tiêu chảy vì đó chỉ là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể khi bị ngộ độc.

     Cách phòng tránh: vệ sinh sạch sẽ tay chân, rửa sạch thức ăn và bảo quản thức ăn đúng cách.

(Trích từ: giadinh.net)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  941,275       1/754