Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Những điều cần biết về Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông

     Ngày 13/11/2013, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

     Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể  theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo đó, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định quy định rõ:

     Đối với người điều khiển xe mô tô: Phạt 80 – 100 nghìn đồng nếu chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước, điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên, không sử dụng đèn chiếu sáng khi trời tối hoặc sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn, bấm còi trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu sáng xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ… Phạt tiền từ 100 – 200 nghìn đồng nếu điều khiển xe chạy quá từ 5 – 10 km/h so với tốc độ quy định; phạt 500 nghìn đến 1 triệu đồng nếu quá từ 10 – 20 km/h và phạt 2 – 3 triệu đồng chạy quá trên 20km/h so với tốc độ quy định.


Đi sai làn đường là một trong những lỗi vi phạm giao thông thường gặp (Ảnh minh họa).

     Phạt tiền từ 200 – 400 nghìn đồng nếu chở theo từ 3 người trở lên trên xe; khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng vẫn tiếp tục đi, chạy xe dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép. Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng nếu sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy. Phạt từ 5 – 7 triệu đồng đối với các hành vi buông cả hay tay khi đang điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe, thay người điều khiểu khi xe đang chạy, quay người về phía sau để điều khiển xe, bịt mắt điều khiển xe, điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị…

     Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, biển báo, …, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người buông cả hai tay khi điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, … và cao nhất từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng nếu hành vi này gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh của người đang thi hành công vụ.

     Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đối với hành vi không đi bên phải chiều của mình, đi không đúng phần đường quy định…, đến mức phạt cao nhất là 200.000 đồng với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường, đi vào đường cấm, … 

     Đối với người đi bộ khi tham gia giao thông, không đi đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng, cao nhất là mức phạt lên đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.


Người đi bộ đi sai phần đường quy định (Ảnh minh họa).

     Phạt cảnh cáo người đủ từ 14 đến 16 tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện). Phạt tiền từ 80 – 120 nghìn đồng nếu người điều khiển xe máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự, không mang theo Giấy Đăng ký xe, Giấy phép lái xe.

     Nghị định còn quy định các mức xử phạt hành chính với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác; người đi bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo… vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

     Ngoài ra, Nghị định cũng quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, về phương tiện tham gia giao thông đường bộ, về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ…Trong đó, đáng chú ý là quy định về xử phạt xe “không chính chủ”, mức phạt giảm đáng kể so với Nghị định trước, phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy (trước đây là từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng); từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với xe ô tô (trước đây là từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng)…

     Với các vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: bị phạt từ 100 nghìn đồng đến 40 triệu đồng tùy từng hành vi và mức độ vi phạm.


Hình ảnh thi công cầu Hóa An (Ảnh tư liệu).

     Với các vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ: bị phạt tiền từ 100 nghìn đến 15 triệu đồng, cụ thể: phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng với hành vi làm rơi, vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển; phạt từ 10 – 15 triệu với hành vi đổ rác, phế thải ra đường phố không đúng quy định… Đặc biệt, riêng với hành vi vận chuyển chất thải nguy hại hoặc có chứa chất phóng xạ không theo đúng quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị phạt đến 60 triệu đồng.

     Trong lĩnh vực giao thông đường sắt, Nghị định quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với nhân viên khám xe không thực hiện khám chữa đoàn tàu đi, đến theo quy định, cao nhất là từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức không phòng, chống và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt… Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định mức xử phạt cho các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt, về phương tiện tham gia giao thông đường sắt…


Một nút giao cắt đường bộ và đường sắt (Ảnh minh họa).

     Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định đã quy định cụ thể thẩm quyền của các chức danh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, cảnh sát giao thông đường bộ, thanh tra giao thông vận tải, cảnh sát cơ động… Ngoài việc bị phạt tiền, hành vi vi phạm còn phải chịu các hình phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả nếu có.

     Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, thay thế cho các Nghị định 34/2010/NĐ-CP, Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định 44/2006/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt và Nghị định 156/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 44/2006/NĐ-CP.

(Nguồn: Bộ Tư Pháp, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,333,002       1/803