Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều những trang mạng xã hội, điển hình như: Facebook, zalo, instagram,... Theo khảo sát thì mạng xã hội có tỷ lệ người sử dụng cao nhất tại Việt Nam là Facebook chiếm 89% và zalo chiếm 67.8%. Thông qua mạng xã hội, người dùng dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau trên mạng. Cho phép người dùng có thể giao lưu và chia sẻ thông tin một cách đa chiều, có hiệu quả và dễ dàng kết nối bạn bè ở nhiều nơi trên thế giới. Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đã mang lại, tuy nhiên, nó cũng chứa đựng nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng xấu tới xã hội và cuộc sống của người sử dụng đặc biệt là lứa tuổi học sinh.
Hiểu được tác hại và những hệ lụy của mạng xã hội gây ra, ngày 23/12/2021, Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) phối hợp cùng Công ty Ajinomoto và Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Phú Yên) đồng tổ chức chuyên đề: “Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội” cho các bạn học sinh, thông qua hình thức trực tuyến, buổi chia sẻ chuyên đề đã thu hút được 317 học sinh tham gia.
Tại buổi chia sẻ chuyên đề Ts. Ngô Thị Huyền đã đặt ra hàng loạt câu hỏi tư duy, “khuấy đảo tâm lý” của hàng trăm học sinh, giúp học sinh nhận biết được: Tính hai mặt của mạng xã hội: Lợi điểm, tiếp cận thông tin, kết bạn, đưa tin nhanh, rộng; xây dựng hình ảnh cá nhân; thể hiện bản thân, bày tỏ quan điểm cá nhân,…Mặt trái chiều là: Nếu học sinh rơi vào tình trạng nghiện mạng xã hội, sẽ dành quá nhiều thời gian lên mạng làm ảnh hưởng và sa sút trong học tập. Đặc biệt, mạng xã hội là phương tiện hiệu quả nhất để làm tê liệt và giết chết quá trình sáng tạo của học sinh. Quá trình lướt các trang mạng xã hội có tác động làm tê liệt não bộ tương tự như khi xem tivi trong vô thức. Mặc khác, khi học sinh quá phụ thuộc vào mạng xã hội, sẽ làm giảm khả năng sáng tạo và hạn chế sự phát triển của bản thân. Học sinh sẽ rơi vào tình trạng đọc theo những gì người khác đọc, tư duy rơi vào lối mòn, điều này khiến học sinh sẽ bị tụt lại trong thế giới cần đến sự sáng tạo,...
Để tư duy sáng tạo của học sinh không bị giết chết, Ts. Ngô Thị Huyền đã đưa ra năm giải pháp để cai nghiện mạng xã hội: Một là, xóa bớt những ứng dụng không cần thiết trong điện thoại. Hai là, tìm kiếm thú vui ngay trong thế giới thực. Ba là, dùng mạng xã hội để cai mạng xã hội bằng cách tìm kiếm từ khóa mạng xã hội theo hướng tích cực, đăng tải những điều tốt đẹp,… Bốn là, giảm tần suất vào mạng xã hội. Năm là, chuẩn bị không gian cho hành trình cai nghiệm mạng xã hội và sẵn sàng chia sẻ vấn đề/khó khăn cho Ba/mẹ, Thầy/cô, bạn bè để mọi người xung quanh ta biết và hỗ trợ.
Thông qua buổi chuyên đề, mỗi học sinh có thể hiểu được tác hại và những hệ lụy của mạng xã hội mang lại. Đồng thời, giúp mỗi bạn học sinh biết cách sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh. Biết cách “Đăng tải trạng thái có chọn lọc - Bày tỏ cảm xúc đúng mực - Bình luận thông minh - Chia sẻ có trách nhiệm”.
Hơn thế nữa, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn còn được tham quan online Đại học Lạc Hồng, qua đó học sinh biết được quy mô đào tạo của trường với 17 ngành đào tạo hệ Đại học, 07 ngành đào tạo Thạc sĩ, 02 ngành đào tạo Tiến sĩ,…
Đồng thời, biết đến cơ sở phục vụ học tập và hướng nghiệp bài bản cho sinh viên với hơn 70 phòng máy, phòng thí nghiệm, phòng thực hành đạt chuẩn Quốc tế; 143 phòng học, hệ thống phòng chức năng, thư viện hiện đại, ký túc xá đầy đủ tiện nghi,...
Học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn tham quan online Trường Đại học Lạc Hồng
Ngoài ra, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn được tham quan online Công ty Ajnomoto, qua đó học sinh biết được hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô, cách vận hành, quy trình sản xuất và những đặc trưng riêng của sản phẩm Ajnomoto. Đặc biệt, thông qua hoạt động trải nghiệm tại Công ty, học sinh hiểu hơn về ngành nghề để có lựa chọn phù hợp cho tương lai của mình.
Học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn tham quan online Công ty Ajnomoto
Trường Đại học Lạc Hồng chúc các em học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn luôn hình thành “bộ lọc” để kiểm chứng và chọn lọc thông tin thông minh nhất, chung tay xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam vững mạnh, an toàn. Chúc các em học tập thật tốt và thành công trong cuộc sống!
mạng xạ hội, văn hóa ứng sử trên mạng xã hội