Tiêu điểm

Thầy và Trò Cùng Bán Đề Tài Khoa Học

       Đây là một ứng dụng từ đề tài nghiên cứu khoa học của 2 giảng viên Trường ĐH Lạc Hồng có tên gọi “eOrder – giải pháp toàn diện cho quán cà phê và nhà hàng”.

Xuất phát từ thực tiễn

       Theo hai tác giả Lâm Thành Hiển và Huỳnh Cao Tuấn, đây là hệ thống quản lý hóa đơn và tính tiền hiện đại, tiết kiệm chi phí, quản lý dễ dàng, giảm 50% thời gian di chuyển của nhân viên, có thể thay thế máy tính tiền truyền thống... Phần mềm này có thể sử dụng cho nhiều loại quán cà phê, nhà hàng lớn nhỏ với khả năng xử lý nhanh và hiệu quả. Hiện nay, các quán cà phê ở Đồng Nai, Hà Nội cũng đề nghị các tác giả chuyển giao công nghệ này.

       Trước đó, nhiều nghiên cứu khoa học của trường cũng đã được đưa vào ứng dụng vì giải quyết được những yêu cầu từ thực tế. Có thể kể ra các đề tài tiêu biểu như: “Dây chuyền tự động cho Công ty Nectokin”, “xây dựng công cụ hỗ trợ kinh doanh tại siêu thị miễn thuế Thế Kỷ Vàng”; “hệ thống giới thiệu sản phẩm dựa trên việc khai thác trang web thương mại”. Đề tài cho Công ty Nectokin đáp ứng việc tự động hóa một số công đoạn trên dây chuyền sản xuất của nhà máy, nâng cao hiệu suất làm việc của công ty. Dây chuyền này vừa tự động đóng gói sản phẩm, cắt chân sản phẩm, vừa kiểm tra sản phẩm đạt chất lượng hay không; Riêng đề tài “xây dựng công cụ hỗ trợ kinh doanh tại siêu thị miễn thuế Thế Kỷ Vàng” của kỹ sư Trần Bình Long và Phan Mạnh Thường đã được hoàn thiện thêm để bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.
Hơn 1 tỉ đồng chuyển giao công nghệ

       TS Trần Hành, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Từ năm 2003, nhà trường chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu khoa học đi vào thực tiễn. Đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên của trường là “Xây dựng văn phòng điện tử” sử dụng trong nhà trường với kinh phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng”. Văn phòng điện tử cho phép các giao dịch đều thực hiện trên mạng, tiết kiệm nhiều thời gian, người quản lý có thể chỉ đạo từ xa... Sau khi sử dụng tại trường đạt hiệu quả cao, đề tài này đã được chuyển giao cho Trường ĐH Thể dục Thể thao Trung ương 2. Hiện nay, vẫn còn 4 trường ĐH, TCCN đề nghị chuyển giao. Cũng từ đề tài này, các tác giả đã làm phần mềm “Quản lý doanh nghiệp điện tử” phục vụ cho các khu công nghiệp Đồng Nai và đã chuyển giao cho Công ty Bao bì Biên Hòa...

       Với khởi đầu đúng hướng, nhà trường đã đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong giảng viên, sinh viên theo hướng giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Hằng năm, trường đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học khoảng 400 triệu đồng. Những nghiên cứu này không phải xong rồi là cất vào thư viện mà rất nhiều nghiên cứu đã được chuyển giao. Tổng số tiền chuyển giao tính đến thời điểm này đã lên tới hơn 1 tỉ đồng. Và còn nhiều đề tài mới khác đã được nghiên cứu thành công chờ ngày chuyển giao. Ví dụ đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nước tương sạch” của thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long. Theo TS Trần Hành, quy trình này đang được kiểm định về tiêu chuẩn nhưng tính khả thi cao. Hiện nay, đã có nhiều công ty sản xuất nước tương ở Đồng Nai và TPHCM đặt vấn đề mua quy trình sản xuất này.
TS Trần Hành, hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng: Một cách làm thương hiệu

       Mục đích của việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của trường không phải là lợi nhuận mà quan trọng là tạo nên thương hiệu Lạc Hồng. Các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn cao của giảng viên, sinh viên trường được chuyển giao sẽ tạo nên hình ảnh cho nhà trường. Không chỉ có vậy, phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giảng viên đã được đẩy mạnh hơn. Hằng năm, trường tổ chức 2 lần hội nghị nghiên cứu khoa học của sinh viên và một lần hội nghị nghiên cứu khoa học của giảng viên với tổng cộng hàng trăm đề tài.

(NLD) 

Huyền

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        30,182,980       4/853