Chức vô địch sẽ ở lại Việt Nam?
Đã 3 lần góp mặt tại cuộc thi robocon châu Á - Thái Bình Dương, nhưng lần thứ 4 này, khi cuộc thi được tổ chức ngay tại Việt Nam thì có lẽ Trường đại học (ĐH). Lạc Hồng đứng gần tới chức vô địch hơn cả. Được thi đấu trước khán giả nhà, kinh nghiệm thi đấu quốc tế được tích lũy, đặc biệt có tới 2 đội tham gia chính là những yếu tố quyết định cho thắng lợi. Cách đây gần một tháng 2 đội robot của Trường ĐH Lạc Hồng đã được chuyển ra Đà Nẵng theo quy định của ban tổ chức. Theo đó, đội LH-SEE (Vô địch cuộc trong nước) được đổi tên thành đội Việt Nam 1, còn LH- NVN EAGLE (Á quân) mang tên Việt Nam 2.
Sinh viên thực hiện phần cơ khí để tạo thành bộ khung cho robot
Loại bỏ những bất lợi
Trở về từ Đà Nẵng sau cuộc thi robocon Viêt Nam hồi tháng 5 vừa qua với chức vô địch và á quân cuộc thi, đội LH-SEE và LH-NVN EAGLE lập tức bắt tay vào các công việc chuẩn bị cho cuộc thi robot mang tầm cơ quốc tế. So với các robot từng đoạt giải trong nước, các robot tham gia cuộc thi quốc tế lần này gần như đã “lột xác” với cơ cấu, tốc độ và chiến thuật mới. Để có được những cải tiến rất đáng kể đó, các thành viên của hại đội đã phải ngày đêm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và chạy thử nhiều lần những con robot do họ tạo ra. Phó khoa Cơ điện Trường ĐH Lạc Hồng, Trưởng đoàn Robocon Việt Nam Nguyễn Bá Thuận “tiết lộ”, trước đây robot điều khiển bằng tay của cả 2 đội phụ thuộc gần như 100% vào con người, và thường tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, do người điều khiển phải chịu sức áp tâm lý từ đối phương, từ khán giả… Hiện tại, các robot điều khiển bằng tay được cải tiến theo hướng tự động hoàn toàn, người điều khiển chỉ cần chờ lệnh, đưa tay bấm nút là robot sẽ tự động chạy làm nhiệm vụ theo đường đi và các thao tác đã được lập trình sẵn. Ngoài ra tốc độ, độ chính xác của các robot cũng được cải thiện rất đáng kể. Để có được những con robot tốt nhất tranh tài tại cuộc thi robocon châu Á - Thái Bình Dương, các thành viên của 2 đội LH-SEE và LH- EAGLE đã dốc tất cả trí tuệ, niềm đam mê của mình, chấp nhận gác sang một bên chuyện gia đình, những cuộc vui chơi với bạn bè. Chung Tấn Thành, một trong những người điều khiển robot LH-SEE đoạt chức vô địch cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam vừa qua cho biết, đội đã mất hơn 1 tháng để cải tiến các robot, khắc phục những nhược điểm trước đây, luyện tập thành thục. Sự ra đời của một robot không hề đơn giản, mà chính là sự “hội tụ” của nhiều khâu như cơ khí, mạch điện và lập trình tin học…“Đối với những linh kiện phức tạp, không thể tự chế tạo được thì đội phải mò lên tận TP.Hồ Chí Minh, hoặc đặt hàng từ nước ngoài nhập về để ráp cho robot” - Thành cho biết thêm.
Một cuộc thi nội bộ diễn ra giữa LH-SEE và LH - NVN EAGLE
Tôn trọng đối thủ
Theo ThS. Lâm Thành Hiển - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - Phụ trách chỉ đạo thi đấu của 2 đội robot Việt Nam 1 và Việt Nam 2 tại cuộc thi, các đội robot tham dự cuộc thi robocon châu Á - Thái Bình Dương năm nay đều đến từ các trường đại học, viện công nghệ uy tín của khu vực, trong đó có những trường mạnh như: Thái Lan, Nhật Bản, Nga … Đối với 2 đội robot của Trường ĐH Lạc Hồng, nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất về kinh phí, máy móc và sân tập để sinh viên chế tạo, luyện tập, sẵn sàng tham dự cuộc thi với tinh thần cao nhất, đồng thời phải tôn trọng đối thủ, dù đội đó mạnh hay yếu. Sinh viên Nguyễn Mộng Tài của đội LH - EAGLE chia sẻ, càng gần đến ngày thi, tâm trạng các thành viên trong đội càng trở nên háo hức, kèm theo những lo lắng, cẳng thẳng. Nguyễn Mộng Tài hy vọng, cùng với sự chuẩn bị tốt, lại được thi đấu trên sân nhà, được sự cổ vũ của khán giả nhà, các thành viên của cả hai đội sẽ hoàn thành được sứ mệnh cao cả, giữ lại chức vô địch của cuộc thi ở lại Việt Nam, đồng thời Trường ĐH Lạc Hồng sẽ lần đầu tiên lên ngôi vô địch sau 4 lần góp mặt ở sân chơi robot quốc tế này.
Theo hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, NGND.TS Đỗ Hữu Tài, để động viên sự chuẩn bị và tinh thần thi đấu của các thành viên 2 đội robot của trường đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi robocon châu Á - Thái Bình Dương năm nay, cùng với sự đầu tư và tạo điều kiện tối đa của ban giám hiệu, tỉnh đã hỗ trợ 2 tỷ đồng cho 2 đội cải tiến robot, đi lại, ăn ở… Để động viên tinh thần 2 đội thi đấu, sẽ có trên 500 cổ động viên từ Đồng Nai ra Đà Nẵng để cổ vũ cho hai đội. “Hai đội được đại diện cho Việt Nam thi đấu quốc tế đã là một vinh dự, hạnh phúc lớn, nhưng nếu được giải cao sẽ còn mang lại vinh dự hơn cho đất nước, cho tỉnh và cho nhà trường” - NGND.TS Đỗ Hữu Tài nhấn mạnh.
Box1: Cuộc thi robocon quốc tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 12 được tổ chức tại Cung thể thao Tiên Sơn (TP.Đà Nẵng) vào ngày 18-8. Cuộc thi có 19 đội đến từ 18 quốc gia, trong đó Trường ĐH Lạc Hồng, đại diện chủ nhà Việt Nam có 2 đội là LH-SEE và LH-NVN EAGLE.
Mỗi cuộc chạy thử robot luôn thu hút rất đông sinh viên theo dõi
Box2: Trước đó, đến dự và động viên các thành viên 2 đội tuyển robot LH-SEE và LH-NVN AEGL Trường ĐH Lạc Hồng tại lễ xuất quân tham dự cuộc thi robot quốc tế châu Á - Thái Bình Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí nhấn mạnh, đây là lần thứ tư liên tiếp sinh viên Đồng Nai vinh dự đại diện cho Việt Nam có một ở một cuộc thi robot quốc tế, do đó tất cả các thành viên trong đoàn, đặc biệt là các thành viên thi đấu chính thức của 2 đội phải đoàn kết, thi đấu hết mình với tinh thần “Miền Đông gian lao mà anh dũng” trong kháng chiến, vì màu cơ sắc áo Việt Nam. Tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục có những phần thưởng xứng đáng nếu 2 đội đoạt giải cao tại cuộc thi.
vô địch, robocon, châu á