Trường đại học Lạc Hồng tiếp tục là điểm đến của nhiều doanh nghiệp (DN), doanh nhân và các giáo sư đầu ngành của Nhật Bản. Điều này tạo cho sinh viên những cơ hội lớn, được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức thực tế, làm quen với văn hóa DN Nhật Bản. Đặc biệt là cơ hội việc làm.
Sinh viên trực tiếp tham dự JOB FAIR, nhiều bạn tự tin giao tiếp bằng tiếng Nhật và tiếng Anh
Sự hợp tác của các doanh nghiệp Nhật Bản với Trường đại học Lạc Hồng không chung chung mà đã tạo thành những mô hình hợp tác hiệu quả cho ba bên, đó là doanh nghiệp – sinh viên và nhà trường.
Sàn việc làm kiểu Nhật
Với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Trường đại học Lạc Hồng đã tổ chức thành công nhiều Ngày hội việc làm (Job Fair) theo mô hình Nhật Bản. Thầy Hồ Viễn Phương, Phó phòng Đào tạo cho biết: “Cán bộ của trường được sang Nhật học hỏi mô hình Ngày hội việc làm. Sau đó phía Nhật Bản lại cử chuyên gia sang, liên kết với các DN Nhật Bản tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh…, đến tham gia ngày hội. Điều hành ngày hội là các chuyên gia Nhật Bản với một quy trình khoa học. Sau này việc tổ chức và điều hành các ngày hội việc làm do cán bộ của trường đảm nhận”.
Ông Suzuki Kyoichi – GĐ Hỗ trợ kỹ thuật Cục hợp tác thương mại kinh tế METI
mong muốn hợp tác với trường, góp phần phát triển các ngành nghề của Nhật Bản tại Việt Nam
Mỗi lần tổ chức Ngày hội việc làm, thường có từ 20 đến 25 DN Nhật Bản đến tuyển dụng. Qua đó có từ 1.500 đến 2000 sinh viên đăng ký tìm cơ hội thực tập, việc làm hay tham khảo cách thức tuyển dụng và ngành nghề của DN. Sinh viên Phạm Thu Hương (Khoa Đông Phương học, chuyên ngành Nhật Bản học), chia sẻ: “Đến với ngày hội, chúng em có thể hiểu hơn về “phong cách” tuyển dụng của người Nhật Bản, từ đó chúng em sẽ có những chuẩn bị cần thiết khi tham gia phỏng vấn và làm việc tại DN của Nhật Bản sau này”.
Trong khí đó, ông Sugioka Yoshihisa, đại diện Công ty thiết bị y khoa Create Medic Nhật Bản, cho biết: “Chúng tôi mong có nhiều hơn sinh viên Trường đại học Lạc Hồng đến làm việc tại công ty của chúng tôi tại Việt Nam. Đó là lí do chúng tôi đến trường tham gia tuyển dụng”. Còn đại diện Công ty TNHH Pasona Tech Nhật Bản, chia sẻ: “Trường đại học Lạc Hồng có nhiều lợi thế trước yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng của DN Nhật Bản. Bởi vì trường có kinh nghiệm đào tạo đa ngành hoàn chỉnh và lâu năm nhất tại Đồng Nai...”
Học với giáo sư Nhật Bản
Với “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ của DN Nhật tại Việt Nam. Đặc biệt là tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó ngày càng có nhiều DN muốn hợp tác với Trường đại học Lạc Hồng. Thời gian qua, tổ chức HIDA của Nhật Bản đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang trường. Họ đã đào tạo và cấp chứng chỉ “Văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản” cho hàng trăm sinh viên năm cuối của trường. Khi có chứng chỉ này, sinh viên sẽ có nhiều thuận lợi hơn, chủ động và tự tin hơn mỗi khi bước chân vào làm việc tại DN Nhật Bản.
Chuyên gia Chisaka Kenta – Trưởng nhóm Bộ phần Toàn cầu Cty Pasona Tech Nhật Bản
trao chứng nhận đào tạo "Văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản"cho các sinh viên
Giáo sư Hiroshi Yamata hướng dẫn về kỹ thuật chế tạo cơ khí của Nhật Bản với sinh viên
Không chỉ có vậy, DN Nhật còn chủ động là “cầu nối” để mời các giáo sư đầu ngành về cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sang giảng dạy cho sinh viên Trường đại học Lạc Hồng. Mới đây, sinh viên của trường đã có cơ hội nghe Giáo sư Hiroshi Yamata, giáo sư giàu kinh nghiệm của Trường đại học Công lập Gifu. Ông là một trong những người “cha đẻ” của thương hiệu xe gắn máy Yamaha nổi tiếng. Ông đã sang nói về kỹ thuật chế tạo cơ khí với sinh viên. Ngay trong tháng 3 vừa qua, Giáo sư Watanabe, người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xi mạ của Tập đoàn Mitsubishi Electric, cũng đã có buổi nói chuyện với các sinh viên Khoa Cơ điện - điện tử của trường, về xi mạ công nghệ cao…
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Cơ điện - Điện tử của trường, cho rằng: “Được tiếp cận với các giáo sư đầu ngành của Nhật Bản là cơ hội hiếm có cho các sinh viên trong quá trình học tập. Đó thực sự là “cơ hội vàng”, giúp sinh viên nắm bắt được những kiến thức đỉnh cao của công nghệ Nhật Bản. Đây là điều mà nhiều trường đại học ở Việt Nam chưa làm được”. Tiến sĩ Quỳnh, chia sẻ thêm “Chúng tôi có kế hoạch, riêng năm 2015 này, sẽ mời thêm nhiều giáo sư đầu ngành của Nhật Bản, ở nhiều chuyên ngành khác nhau sang nói chuyện chuyên đề với sinh viên. Trong đó, có những giáo sư đầu ngành, phải đăng ký trước cả năm mới sắp xếp sang Việt Nam được”.
Chủ tịch Tập đoàn Mabuchi Motor toàn cầu Shinji Kamei (thứ 2, bên phải):
“Đề nghị mở Quỹ học bổng Mabuchi Motor cho sinh viên Trường đại học Lạc Hồng”
Trong buổi thăm và làm việc với Trường đại học Lạc Hồng mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Mabuchi Motor toàn cầu Shinji Kamei đã đề xuất mở Quỹ học bổng Mabuchi Motor cho sinh viên Trường đại học Lạc Hồng. Chủ tịch Shinji Kamei, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với những mẫu thiết kế robot của sinh viên trường thi đấu và giành thành tích tốt qua các cuộc thi robot châu Á - Thái Bình Dương. Đó là ấn tượng để Mabuchi Motor muốn mở quỹ học bổng cho sinh viên nhà trường”.
doanh nghiệp, Nhật Bản, hợp tác