Hỗ trợ cộng đồng

Khoa Dược  »  Nghiên cứu khoa học  »  Hỗ trợ cộng đồng


Xuyên tâm liên - Liệu có hiệu quả trong điều trị COVID-19?

 

Xuyên tâm liên (XTL) có tên khoa học là Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees (họ Ô rô, Acanthaceae), là một cây thuốc được sử dụng để điều trị cảm lạnh, sốt, viêm thanh quản và một số bệnh truyền nhiễm từ sốt rét đến kiết lỵ và tiêu chảy ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, nhờ đặc tính miễn dịch, kháng khuẩn, chống viêm, chống huyết khối và bảo vệ gan. 

Chất lượng của Xuyên tâm liên được đánh giá thông qua hàm lượng của các diterpenoid như andrographolid, neoandrographolid và dehydroandrographolid. Andrographolid tập trung nhiều nhất ở lá, có nhiều đặc tính dược lý như điều hòa miễn dịch, chống độc, chống HIV, chống ung thư, chống u, hạ đường huyết và hạ huyết áp. Ngoài ra, andrographolid cũng đã được chứng minh có khả năng kháng nhiều loại virus gây bệnh như: virus cúm A, virus viêm gan C, virus Chikungunya, HIV, virus viêm gan B, Herpes simplex 1, virus Epstein – Barr… [1]

Đại dịch COVID-19 gây ra bởi virus SARS-CoV-2, đã nhận được sự quan tâm trên toàn thế giới. Bên cạnh các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành đối với Remdesivir, một loại thuốc kháng virus nghiên cứu của công ty Gilead Sciences, các loại thảo dược tự nhiên cũng được hướng đến với mong muốn tìm ra hoạt chất có tác dụng hiệu quả và hạn chế được độc tính, có thể sử dụng trên nhiều đối tượng bệnh nhân, đồng thời giúp giảm chi phí điều trị.

Nghiên cứu in silico

Andrographolid, các chất có cấu trúc tương tự andrographolid và các hợp chất hóa thực vật (phytochemical) của XTL đã được thử nghiệm in silico bằng nhiều phương pháp như: ghép nối phân tử, phân tích mục tiêu, dự đoán độc tính và dự đoán hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ (ADME). Qua đó xác định khả năng gắn kết của chúng với một số mục tiêu kháng virus chính của SARS-CoV-2 bao gồm phức hợp protein spike - ACE2, protein spike (protein S), thụ thể ACE2, RdRp, enzym protease chính (3Clpro hay Mpro), PLpro và vùng liên kết RNA của N-protein. Trong đó, Mpro - một enzyme protease quan trọng liên quan đến quá trình sao chép, phiên mã, dịch mã và các quá trình tế bào khác trong virus corona, đang là mục tiêu chủ yếu của các nghiên cứu hiện nay. Dưới đây là một vài nghiên cứu in silico đã công bố:

  • Sukardiman và cộng sự (2020) thu được hai hợp chất là flavonoid glycosid (5,4'-dihydroxy-7-O-β -D-pyran-glycuronat butyl ester) và andrographolid glycosid (3-O-β-D-glucopyranosyl-andrographolid) có năng lượng liên kết tự do khi gắn với thụ thể 6LU7 Mpro thấp hơn so với Indinavir hoặc Remdesivir. Dự đoán độc tính cũng cho thấy các hợp chất này an toàn. Những kết quả này xác nhận khả năng sử dụng các hợp chất hóa thực vật từ XTL làm chất ức chế protease chính của COVID-19, mặc dù phải tiến hành các nghiên cứu sâu hơn. [2]
  • Enmozhi và cộng sự (2021) cũng đã gắn thành công andrographolid vào vị trí liên kết  của Mpro của virus SARS-CoV-2. Các phương pháp tính toán cũng dự đoán phân tử này có độ hòa tan tốt, đặc tính dược lực học và độ chính xác mục tiêu. Phân tử này cũng tuân theo quy tắc Lipinski, khiến nó trở thành một hợp chất đầy hứa hẹn để theo đuổi các thử nghiệm sinh hóa và tế bào tiếp theo để khám phá tiềm năng sử dụng chống lại COVID-19. [3]
  • Theo nghiên cứu của Murugan và cs. (2020), andrographolid và dẫn xuất cũng cho thấy ái lực liên kết đầy hứa hẹn đối với các mục tiêu là 3CLpro, PLpro, RdRp và protein S của virus corona.[4]
  • Ngoài ra, Maurya và cs. (2020) đã chỉ ra rằng andrographolid có ái lực liên kết đáng kể đối với protein S của SARS-CoV-2 và thụ thể ACE2 và có thể được phát triển như một tác nhân dự phòng, hạn chế sự xâm nhập của virus vào tế bào vật chủ. [5]

Nghiên cứu in vitro

Một số thử nghiệm in vitro cũng đã được tiến hành. Kết quả khả quan từ thử nghiệm trên tế bào Vero E6 [6] và trên mô hình tế bào biểu mô phổi người (Calu-3) cho thấy tiềm năng kháng SARS-CoV-2 tương đối mạnh của andrographolid và cao chiết XTL. Nghiên cứu độc tính tế bào được phát triển trên các dòng tế bào của 5 cơ quan bao gồm gan (HepG2 và imHC), thận (HK-2), ruột (Caco-2), phổi (Calu-3) và não (SH-SY5Y), cho thấy cao chiết XTL không có độc tính trên các dòng tế bào kể trên và andrographolid có độc tính thấp hoặc không đáng kể. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng thực nghiệm mở ra hướng phát triển andrographolid và cao chiết XTL như một liệu pháp đơn trị liệu hoặc kết hợp với các loại thuốc hiệu quả khác chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2. [7]

Các nghiên cứu in silicoin vitro đều cho thấy andrographolid và các chất tương tự của nó có khả năng kháng virus SARS-CoV-2 theo nhiều hướng tác động, nhưng dữ liệu in vivo là cần thiết để bổ sung thêm căn cứ khoa học cho những dự đoán này.

Nghiên cứu lâm sàng

Một báo cáo preprint ở Thái Lan: Thử nghiệm lâm sàng trong khoảng thời gian từ 12/2020-3/2021 trên 63 bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và không có yếu tố nguy cơ gây chuyển biến nặng, cho thấy việc sử dụng cao chiết XTL đường uống trong phác đồ điều trị (liều tương đương 60 mg andrographolid, 3 lần mỗi ngày, trong 5 ngày) giúp ngăn ngừa viêm phổi, rút ngắn thời gian phát tán của virus, giảm số lượng SARS-CoV-2 nhanh hơn và ức chế viêm. Các phản ứng có hại của thuốc là nhẹ và không phổ biến. Tuy nhiên cỡ mẫu còn quá nhỏ chính là hạn chế của nghiên cứu này, cần phải có nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa để có kết luận chắc chắn và đáng tin cậy.[8]

Nghiên cứu gần đây từ Trung Quốc khi dùng XTL dạng tiêm ở bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình cho thấy thời gian để giảm ho, hạ sốt và thanh thải virus giảm đáng kể, có ít bệnh nhân bị tiến triển đến giai đoạn nặng trong quá trình điều trị, đồng thời không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo trong quá trình nghiên cứu. Việc tiêm XTL là an toàn và hiệu quả trong việc cải thiện sự phục hồi của bệnh nhân bị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, các tác giả cũng đề xuất cần phải mở rộng nghiên cứu trên bệnh nhân COVID-19 ở các giai đoạn bệnh khác nhau để có cái nhìn toàn diện hơn. [9]

Biểu đồ so sánh thời gian chấm dứt triệu chứng ho và sốt giữa nhóm chứng và nhóm được sử dụng XTL để điều trị ở bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và trung bình. (Zhang và cs., 2021)

Tại Ấn Độ, Bộ AYUSH đã cho phép sử dụng các bài thuốc cổ truyền có chứa XTL như Kabasura Kudineer kết hợp với các phác đồ chuẩn trong điều trị bệnh nhân COVID-19 và cho những kết quả đáng chú ý trong việc loại bỏ virus và giảm thời gian nằm viện. [10]

Tại Việt Nam, theo “Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2” (ban hành kèm theo công văn số 1306/BYT-YDCT ngày 17/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế) XTL là vị thuốc được gia thêm trong các bài thuốc như Ngân kiều tán, Ngân kiều tán gia giảm, Ma hạnh thạch cam thang, Cát căn cầm liên thang để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 giai đoạn khởi phát và toàn phát. Trong đợt dịch lần thứ 4, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã sử dụng XTL trong bài thuốc Ngọc bình phong tán để điều trị và cho kết quả tốt. Bộ Y tế cũng đã giao Cục Quản lý Y Dược cổ truyền kết hợp Cục Khoa học công nghệ và Đạo tạo tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả của thuốc có thành phần XTL.

Tóm lại, những nghiên cứu in silico, in vitro và các thử nghiệm lâm sàng bước đầu cho thấy XTL cùng với các hoạt chất chính của nó có tác động kháng virus SARS-CoV-2, có tiềm năng sử dụng trong điều trị COVID-19. Tuy vậy vẫn cần có thêm những bằng chứng lâm sàng, với các nghiên cứu được thực hiện trên cỡ mẫu lớn hơn, để có câu trả lời chắc chắn hơn về việc sử dụng XTL, andrographolid hay các chất có câu trúc tương tự có thực sự mang lại an toàn và hiệu quả. Vì chưa có đầy đủ chứng cứ khoa học, do vậy việc sử dụng thuốc cần phải theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Người dân không nên tự ý mua các thuốc có thành phần chính là XTL để tự phòng và điều trị COVID-19 tại nhà mà không có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ hay chuyên gia y tế.

ThS. Trần Thị Thu Vân

Giảng viên - Bộ môn Thực Vật Dược 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Mishra, Siddhartha K., Neelam S. Sangwan, and Rajender S. Sangwan. "Andrographis paniculata (Kalmegh): a review." Pharmacognosy Reviews 1.2 (2007).

  2. Sukardiman, Martha Ervina, et al. "The coronavirus disease 2019 main protease inhibitor from Andrographis paniculata (Burm. f) Ness." Journal of Advanced Pharmaceutical Technology & Research 11.4 (2020): 157.

  3. Enmozhi, Sukanth Kumar, et al. "Andrographolide as a potential inhibitor of SARS-CoV-2 main protease: An in silico approach." Journal of Biomolecular Structure and Dynamics 39.9 (2021): 3092-3098.

  4. Murugan, Natarajan Arul, Chitra Jeyaraj Pandian, and Jeyaraman Jeyakanthan. "Computational investigation on Andrographis paniculata phytochemicals to evaluate their potency against SARS-CoV-2 in comparison to known antiviral compounds in drug trials." Journal of Biomolecular Structure and Dynamics (2020): 1-12.

  5. Maurya, Vimal K., et al. "Structure-based drug designing for potential antiviral activity of selected natural products from Ayurveda against SARS-CoV-2 spike glycoprotein and its cellular receptor." Virusdisease 31.2 (2020): 179-193.

  6. Kanjanasirirat, Phongthon, et al. "High-content screening of Thai medicinal plants reveals Boesenbergia rotunda extract and its component Panduratin A as anti-SARS-CoV-2 agents." Scientific reports 10.1 (2020): 1-12.

  7. Sa-Ngiamsuntorn, Khanit, et al. "Anti-SARS-CoV-2 activity of Andrographis paniculata extract and its major component Andrographolide in human lung epithelial cells and cytotoxicity evaluation in major organ cell representatives." Journal of Natural products 84.4 (2021): 1261-1270.

  8. Wanaratna, Kulthanit, et al. "Efficacy and safety of Andrographis paniculata extract in patients with mild COVID-19: A randomized controlled trial." medRxiv (2021).

  9. Zhang, Xin‐Yi, et al. "Efficacy and safety of Xiyanping injection in the treatment of COVID‐19: A multicenter, prospective, open‐label and randomized controlled trial." Phytotherapy Research (2021).

  10. Meenakumari, Ramaswamy, et al. "Clinical outcomes among COVID-19 patients managed with modern and traditional Siddha medicine-A retrospective cohort study, Chennai, Tamil Nadu, India, 2020." Journal of Ayurveda and Integrative Medicine (2021).

Khoa Dược (H.)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  93,217       1/598